Thiền lý Tào Động tông

Tông chỉ của tông Tào Động đã được vị thủy tổ là Thiền sư Thạch Đầu Hi Thiên khái quát trong tác phẩm Tham Đồng Khế và qua tác phẩm Bảo Cảnh Tam Muội Ca mà Thiền sư Vân Nham truyền cho Thiền sư Động Sơn. Đến thời khai tổ Động Sơn đã hình thành thuyết Ngũ Vị Chính Thiên, Ngũ vị Hiển Quyết dùng để tiếp dẫn hậu học, nêu lên cơ phong của tông phái. Sau này, đệ tử là Thiền sư Tào Sơn Bản Tịch đã bổ sung thêm Ngũ vị Quân Thần để làm rõ thuyết Ngũ Vị của thầy. Trong những giáo lý kể trên, phổ biến nhất trong giới Phật Giáo, Thiền Tông vẫn là thuyết Động Sơn Ngũ Vị (Ngũ Vị Chính Thiên) của Thiền sư Động Sơn.

Ngũ vị Chính Thiên:

Xem: Động Sơn Ngũ Vị

Ngũ vị Hiển Quyết

Dùng để bổ sung cho Ngũ Vị, gồm 5 giai đoạn tu hành tới chứng ngộ. Gồm Hướng, Phụng, Công, Cộng Công, Công công. Ngũ vị này nhằm nêu rõ thứ bậc công phu tu hành của người học, tức trước hết là qui hướng, kế đến là thừa phụng và cuối cùng là được công công bất cộng

- Hướng: Ngài Động sơn nói: '' Khi ăn cơm thì nghĩ gì?'' Sư lại nói: ''Đắc lực nên quên no, thôi ăn lại chẳng đói''. Bình luận ( bài luận của Thiền sư Vĩnh Giác Nguyên Hiền trong cuốn Động Thượng Cổ Triệt ) :'' Hướng nghĩa là hướng tới. Nhưng trước hết phải biết có, nếu trước chẳng biết có, thì không biết hướng tới đâu, vả lại, trong động tĩnh hàng ngày không được quên giây phút nào. Nếu chân chính và chuyên nhất hướng tới, thì chẳng còn thì giờ rảnh rỗi để nghĩ tới đói''. Bài kệ tụng của ngài Động Sơn:

Minh quân theo phép nhà Nghiêu,

Hạ mình dùng lễ đãi chiêu lương hiền

Có khi vượt chốn não phiền

Văn minh khắp chốn tụng truyền Thánh ân.

-Phụng: Ngài Động sơn nói:'' Khi trái nghịch thì sao?'' Sư lại nói: ''Chỉ biết có giầu sang, cô phụ người bản lai (Phật tính)''. Bình luận: Phụng nghĩa là vâng thờ. Sau hướng tiếp đến dùng phụng, cũng như vâng thờ bậc trưởng thượng, thì trước hết phải qui kính rồi sau mới thừa phụng, nếu trái nghịch (tham đắm ngoại trần mà trái với việc hướng thượng) thì chẳng thể thừa phụng. Bài kệ tụng của Thiền sư Động Sơn:

Vì ai tẩy sạch phấn hồng

Người xưa trở lại Quốc đồng kêu vang

Trên cành hoa đã rụng tàn

Mà chim vẫn hót, non ngàn đều nghe

-Công: Ngài Động sơn nói: '' Khi buông cái bừa thì nghĩ gì?'' . Sư lại nói: '' Buông tay ngồi thanh thản, nhàn tản mây trắng bay'' . Bình luận: Cầm bừa là hướng tới thừa phụng; buông bừa là chẳng hướng tới thừa phụng. Nhờ có cái công hướng tới thừa phụng từ trước, nên đến đây bỗng quên đi, cho nên bảo là buông bỏ bừa xuống. Câu sau biểu thị khế nhập chính vị. Bài kệ tụng của Thiền sư Động Sơn:

Cưỡi ngược voi ngọc đuổi lân (kì lân)

Cây khô hoa nở vào xuân kiếp tiền.

Hôm nay cao ẩn non miền

Trăng trong gió mát thuận duyên đúng thời

-Cộng công: Ngài Động sơn nói:'' Chẳng được sắc'' . Lại nói:'' Phấn trắng khó giấu đường, Trường an chẳng ở lâu'' . Bình luận: Cộng công nghĩa là các pháp cùng khởi, cho nên gọi là cộng. Ngài Động sơn nói không được sắc, nghĩa là vị trước còn một sắc thì các pháp đều ẩn, vị này thì một sắc đã mất hết nên các pháp đều hiện, một sắc cũng không thể được lại nữa. Bài kệ tụng của Thiền sư Động Sơn:

Chúng sanh, chư Phật chẳng đồng

Non kia tự vút, đây dòng tự sâu

Việc lớn ngộ từ muôn đầu

Hoa khai chim hót sắc màu rực soi.

- Công Công: Ngài Động sơn nói:'' Chẳng cộng'' . Lại nói: '' Lẫn lộn chẳng kiêng kị, ngoài đây lại cầu gì?'' Bình luận: Công công nghĩa là công này sâu xa hơn công của vị trước, cho nên gọi là Công công. Do vị trước có cộng nên vị này chẳng cộng, pháp chẳng thể được mà phi pháp cũng chẳng thể được, lí sự hòa nhập tuyệt không dấu vết, đó là chỗ cùng tột của Phật đạo. Tuy nhiên, vẫn còn gọi Công là bởi vì việc hướng thượng cũng thuộc sức người tạo ra. Bài kệ tụng của Thiền sư Động Sơn :

Sừng vừa nhú đã chẳng kham

Đem tâm cầu Phật, đã mang lỗi lầm

Kiếp không vời vợi há tầm

Năm ba tri thức phương Nam, phỏng cầu.

Ngũ Vị Quân Thần

Thiền Sư Tào Sơn Bản Tịch dùng nghĩa Quân(vua), Thần(bầy tôi) để thuyết minh Ngũ Vị của Thiền sư Động Sơn.

1. Quân (vua):

Diệu đức tràn hoàn vũ

Sáng tỏ khắp thái hư

Diệu đức trùm vũ trụ

Rực sáng khắp hư không

Chỉ cho cõi hư không xưa nay vốn chẳng có một vật gì, dụ cho Chính vị, tương đương với Chính trung lai trong Chính thiên ngũ vị và với Công trong Công huân ngũ vị.

2. Thần(bầy tôi):

Linh cơ hoằng đạo thánh

Chân trí lợi quần sinh

Vâng mệnh vua, mở mang Thánh đạo, hiển hiện tất cả muôn tượng sum la. Chỉ cho cõi sắc thiên hình vạn tượng, dụ cho Thiên vị, tương đương với Thiên trung chí trong Chính thiên ngũ vị và với Cộng công trong Công huân ngũ vị. Đây là nhị nguyên âm và dương, bản giác và bất giác đối lập nhau.

3. Thần hướng quân (bầy tôi hướng lên vua):

Không rơi vào ngã khác

Chú tâm trông Thánh dung

Bầy tôi chuyên vâng thờ vua, trung thành không phân giai cấp sai biệt; chỉ cho việc bỏ sự vào lí, tương đương với Chính trong thiên hướng thượng hoàn diệt và với Phụng trong Công huân ngũ vị. Chính trong thiên ở đây tức là Chính vị đem tất cả sự tướng sai biệt qui về thế giới bình đẳng vô sai biệt.

4. Quân thị thần(vua đối với bầy tôi):

Dung nhan tuy chẳng động

Soi chiếu chẳng lệch nghiêng

Vua đối với bầy tôi công bằng không thiên vị, thương quí tất cả, tức là từ trong lí đi vào sự, tương đương với Thiên trong chính hướng hạ duyên khởi và với Hướng trong Công huân ngũ vị.

5. Quân thần đạo hợp(đạo vua tôi hợp nhất):

Rõ ràng không nội ngoại

Hòa hợp trên dưới đồng

Đạo vua tôi hòa hợp thì thiên hạ thái bình, nghĩa là ngầm ứng hợp với mọi duyên mà không rơi vào các ngả, tương đương với Kiêm trung đáo trong Chính thiên ngũ vị và với Công công trong Công huân ngũ vị. Tức là động tĩnh hợp nhất, sự lí bất nhị, là vị của đạo Đại giác cùng tột, chẳng chính chẳng thiên vậy.

Ba loại sấm lậu

Là pháp dùng để phân biệt chân ngụy vào thời mạt pháp khi chúng sinh càn tuệ, cơ tính không hoạt bát, do Thiền sư Động Sơn Lương Giới trao truyền cho Ngài Tào Sơn Bản Tịch:

+ Kiến sấm lậu, tức căn cơ không lìa địa vị, đọa lạc tại biển độc. Giải thích: Nghĩa là còn ngã kiến, pháp kiến, chấp chặt vào pháp thì không thể thấu suốt được thực tướng của các pháp.

+Tình sấm lậu, tức bị kẹt tại thủ xả, chỗ thấy thiên khô. Giải thích: vẫn còn tình thức phân biệt, lấy cái này bỏ cái kia, còn trong vòng đối đãi.

+ Ngữ sấm lậu, tức chuyên nghiên cứu ngữ cú của Tổ sư mà đánh mất Tông chỉ, trước sau mờ mịt.

Giải thích: Sấm lậu nghĩa đen là chảy ra, rỉ ra, trong kinh điển chỉ cho phiền não. Ngữ sấm lậu nghĩa là cái thấy biết còn bị vướng mắc, chấp trước trong văn tự ngôn ngữ mà không biết rằng ngôn ngữ, văn tự chỉ là công cụ tạm thời được dùng để diễn đạt chân lý.

Thiền Sư Động Sơn lại nói: "Trí ô trọc của người học lưu chuyển, tất cả chẳng ngoài ba loại này, ông cần phải biết rõ!".

Thiền Mặc Chiếu

Xem tại : Thiền Mặc Chiếu